In-house movement là gì? Đồng hồ máy In-House có tốt không ?

Tác giả: Bệnh Viện Đồng Hồ JSC Ngày đăng: 4 tháng trước Lượt xem: 88 Chuyên mục: Thuật ngữ đồng hồ

Trong giới đồng hồ, việc sở hữu một bộ máy in-house movement được xem là một dấu hiệu của sự đẳng cấp và sang trọng. Hãy khám phá loại đồng hồ này cùng Bệnh Viện Đồng Hồ JSC nhé!

In-house movement là gì?

In-house movement là thuật ngữ chỉ bộ máy được sản xuất bởi một thương hiệu đồng hồ tự thiết kế, tự gia công và sản xuất hoàn toàn bộ máy của đồng hồ mà không phải gia công bởi một công ty khác.
Thông thường một số hoặc rất nhiều những bộ phận chi tiết của đồng hồ được mua bởi các nhà cung cấp bên ngoài. Phổ biến là máy đồng hồ ETA của Tập đoàn Swatch (Thụy Sĩ) – được rất nhiều thương hiệu sử dụng cho những chiếc đồng hồ của họ.

Nguồn gốc thuật ngữ máy In-house ?

Máy In-house đã ra đời và tồn tại từ rất sớm trong lịch sử hàng trăm năm của ngành đồng hồ. Tuy nhiên, nếu nói về thuật ngữ “máy In-house” thì sẽ chỉ thực sự được sử dụng phổ biến bởi các nhà sản xuất đồng hồ từ giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng thạch anh những năm 1970s (sự kiện đồng hồ giá rẻ của Seiko tràn ngập thị trường khiến các ngành sản xuất đồng hồ cơ Thụy Sĩ đứng bên bờ vực tan rã hoàn toàn).
Sau cuộc Khủng hoảng này, những thương hiệu đồng hồ truyền thống của Thụy Sĩ còn tồn tại phần lớn sẽ tham gia và những tập đoàn lớn (nổi tiếng nhất là Swatch Group) đồng thời chia sẻ những bộ máy và công nghệ chung. Trên đà phục hồi của đồng hồ Thụy Sĩ, Swatch Group tiếp tục khuếch trương ảnh hưởng với việc bán các bộ máy ETA (công ty chuyên sản xuất máy của tập đoàn) cho các công ty bên ngoài. Điều này dẫn tới việc có vô số công ty sản xuất đồng hồ khác nhau, nhưng lại sử dụng những bộ máy giống nhau.
Để tạo lợi thế cạnh tranh, mang tính khác biệt, nhiều thương hiệu đã quyết định tạo ra những cỗ máy của riêng mình và quảng bá cho chúng như 1 cách thể hiện yếu tố “know-how” (tạm dịch: biết làm như thế nào), từ đó gia tăng giá trị của thương hiệu và sản phẩm. Cũng chính từ đây mà thuật ngữ máy In-house và đồng hồ sử dụng máy In-house trở nên nổi tiếng và phát triển thành 1 phong trào trong giới chơi đồng hồ toàn thế giới.

Phân loại bộ máy đồng hồ “In-house”

Đồng hồ máy In-house có tổng cộng 4 loại bao gồm:

Máy “In-house” 100%

Loại máy này được phát triển, thiết kế, sản xuất chi tiết và lắp ráp hoàn toàn trong nội bộ hãng, đây là loại máy in-house chân chính và có giá thành đắt nhất. Tuy nhiên, nếu không tính tập đoàn Swatch – sở hữu các nhà máy sản xuất máy ETA, Lemania, Manufacture Blancpain và cung cấp máy cho các thương hiệu khác của tập đoàn – thì hiện nay chỉ có hãng Seiko là có khả năng tạo ra máy 100% In-house và chế tạo toàn bộ bộ phận của chiếc đồng hồ.
In-house movement là gì

Bộ máy hãng Seiko – 100% In-house

Cùng với đó, một số hãng khác như A. Lange & Söhne, Citizen, Rolex, và Nomos cũng có khả năng sản xuất hầu hết các bộ phận của máy đồng hồ trong nội bộ hãng.

Máy thiết kế “In-house”

Loại máy này được thiết kế bởi hãng A, nhưng sản xuất lại được giao cho bên thứ ba B để thực hiện. Mặc dù vậy, máy thiết kế In-house vẫn có giá trị độc quyền, khác biệt và chống giả, và không phổ biến như những máy sản xuất hàng loạt.

Máy sản xuất “In-house”

Ngược lại với máy thiết kế In-house, máy sản xuất In-house là máy sử dụng thiết kế của bên thứ ba B nhưng được sản xuất bởi hãng A. Máy sản xuất In-house không nhất thiết phải có 100% các chi tiết được sản xuất trong nội bộ, tuy nhiên, phải được lắp ráp và hoàn thiện trong nội bộ hãng sản xuất.
Đây là loại máy In-house phổ biến trong các thương hiệu đồng hồ cao cấp hiện nay, bởi hầu hết các bằng sáng chế về máy đồng hồ đã hết hạn sử dụng. Do đó, các hãng đồng hồ có thể sử dụng các thiết kế công cộng cũ để sản xuất máy cho riêng mình, kể cả những hãng đồng hồ xa xỉ như Rolex hay Patek Philippe.

Máy lắp ráp “In-house”

Trong tất cả các loại In-house thì đây được coi là loại thấp nhất, bởi nó chỉ cần được lắp ráp giai đoạn cuối trong nội bộ hãng, thậm chí hãng đó không cần phải sản xuất bất cứ chi tiết nào của máy. Hiện nay hầu hết các máy in-house đều là loại lắp ráp in-house, có thiết kế công cộng và các chi tiết máy do một bên thứ ba cung cấp.
Đối với bộ máy lắp ráp In-house thì thường các hãng sẽ trang trí thêm (đánh bóng, chạm rỗng, sơn mạ, khắc dập…) cho các chi tiết máy của mình, hoặc tinh chỉnh lại để tăng độ chính xác hay thêm một số chức năng phụ để tạo tăng chất lượng, tạo điểm nhấn riêng để nhận dạng thương hiệu.
So với các loại bộ máy đồng hồ In-House khác, máy lắp ráp In-house có khả năng tùy biến rất cao, có thể trang bị những tính năng độc đáo bằng các bộ phận lắp ghép (module) mà không cần phải đầu tư quá nhiều cho việc sản xuất các bộ phận vốn có thể được cung cấp từ ngoài mà không ảnh hưởng đến chất lượng hoặc sự độc quyền.

Vì sao máy In-house được săn lùng nhiều đến vậy?

Sau đây là những ưu điểm vượt trội giúp đồng hồ In – house ghi điểm trong mắt người dùng:

Đồng hồ có tính ổn định cao

Với những thương hiệu có khả năng sản xuất đồng hồ In – house, điều này đồng nghĩa với việc họ có đủ khả năng và kỹ thuật để linh hoạt tinh chỉnh chi tiết máy nhằm mang đến độ chính xác cao nhất.

Có khả năng chống hàng giả tốt

Bộ máy của In – house thường được trang trí rất cầu kì, các chức năng được thiết kế phức tạp khiến cho việc làm giả là vô cùng khó khăn. Để làm được bộ máy này không những cần chi phí cao mà công nghệ và trình độ của người làm cũng phải rất tốt.

Tạo được phong cách riêng

Phần lớn các máy đồng hồ cơ khí đều có hệ thống và những bộ phận cơ bản giống nhau để hoạt động, điều đó có nghĩa rằng hầu hết các máy đồng hồ vốn dĩ đã tương tự nhau. Vì thế mà cách thiết kế, trang trí và cấu tạo của máy đồng hồ là những điều thực sự tạo ra sự khác nhau giữa các thương hiệu. Những người tìm kiếm chiếc đồng hồ được hoàn toàn lắp ráp bằng tay và trang trí lộng lẫy, tỉ mỉ, độc đáo sẽ chỉ tìm thấy sự hài lòng trong các bộ máy In-house movement.

Tại sao đồng hồ In-house lại đắt đỏ?

Với những thương hiệu sở hữu các cỗ máy in-house, sự chủ động chính là điểm khác biệt. Có thể tự mình thực hiện hoàn toàn các công đoạn trong sản xuất giúp cho những thương hiệu này đưa sản phẩm của mình lên một tầm cao mới. Họ hiểu được những mẫu đồng hồ của mình đang cần gì, linh kiện nào sẽ phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho thiết kế. Trong thế giới đồng hồ, “In-house” có thể xem là niềm tự hào đối với bất cứ thương hiệu nào.

Máy In-House có tốt không ?

Do được nghiên cứu tại hãng, thử nghiệm, hoàn thiện một cách tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết, đồng hồ In-House hoạt động vô cùng ổn định, có sự nhất quán rất cao so với các loại đồng hồ sử dụng bộ máy bên ngoài.

Có nên mua đồng hồ máy In-house?

Bạn không nên mua 1 chiếc đồng hồ chỉ vì nó sử dụng máy In-House. Bạn hãy lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu có uy tín, phổ biến dùng máy In-house hoặc các thương hiệu sử dụng các bộ máy không In-house nổi tiếng, có chất lượng đã được công nhận và khẳng định lâu năm (ETA, Sellita, Seiko, Miyota-Citizen,…)
Bên cạnh bộ máy, 1 chiếc đồng hồ còn có nhiều yếu tố khác cần cân nhắc như thiết kế, tính năng, vật liệu, kích thước, giá thành và quan trọng nhất là thương hiệu. Hãy luôn ưu tiên những thương hiệu tốt, có uy tín, được sử dụng phổ biến nếu như bạn chưa có nhiều kinh nghiệm chơi đồng hồ.
Trên đây là một cái nhìn tổng quan về khái niệm In-house movement là gì trong ngành chế tác đồng hồ. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về loại đồng hồ này.
Đánh giá post này

Tác giả

Chuyên sửa chữa đồng hồ, bảo dưỡng lau dầu, thay mặt kính, thay pin, thay dây, đánh bóng, thẩm định, thu mua đồng hồ cũ, đào tạo nghề uy tín.

Bệnh Viện Đồng Hồ JSC