Giới thiệu về đồng hồ đeo tay điểm chuông, báo thức và chơi nhạc
Từ “clock” – đồng hồ – xuất phát từ tiếng Hà Lan“clocke” có gốc từ tiếng Latin: “clocca”có nghĩa là “chuông”. Những chiếc đồng hồ cơ đầu tiên không có mặt mà chỉ là những chiếc đồng hồ có tính năng điểm chuông để báo giờ. Ngày được phân chia theo tiếng của những chiếc chuông này, khi đồng hồ được cơ giới hóa lan rộng khắp châu Âu thời trung cổ, trong thế kỷ 14. Khi đồng hồ trở nên gọn gàng hơn, đồng hồ đeo tay đã ra đời, lúc đầu nó được để trong túi, sau đó được đeo trên cổ tay. “Đồng hồ” trong tiếng Pháp là “montre” cũng có nghĩa là “trưng ra, show ra”. Ngoài việc tích hợp các cơ chế tinh vi, một số đồng hồ vẫn có thể nghe được giờ. Trong bài viết về kỹ thuật này, Bệnh Viện Đồng Hồ sẽ giới thiệu đến độc giả kiến thức cơ bản về đồng hồ báo thức, đồng hồ điểm giờ, điểm phút, đồng hồ phát nhạc và các loại đồng hồ có chuông khác, nói cách khác, nó là Thanh âm của Thời gian.
ĐỒNG HỒ BÁO THỨC (Alarm Watches)
Một chiếc đồng hồ báo thức được thiết kế để đổ chuông tại một thời điểm xác định. Ai trong chúng ta có lẽ đã từng “nguyền rủa” đồng hồ báo thức một lần, nhưng ít người có thể phủ nhận tính hữu dụng của nó. Nó có lẽ là một trong những cơ chế đồng hồ phức tạp lâu đời nhất. Đồng hồ báo thức đầu tiên là loại đặt cố định.
Với sự phát triển của trao đổi thương mại và du lịch, các cơ chế này đã được đưa vào đồng hồ bỏ túi, kể từ thế kỷ 16. Đồng hồ đeo tay báo thức đầu tiên được cấp bằng sáng chế vào năm 1908 bởi Eterna, nhưng thành công thực sự lan rộng sau khi chiếc đồng hồ Vulcain Cricket huyền thoại được tạo ra vào năm 1947, thực sự đã nâng tầm cho những chiếc đồng hồ như vậy.
Trong số các tài liệu tham khảo không thể phủ nhận khác là Jaeger-Lecoultre, với Memovox, chiếc đồng hồ automatic báo thức đầu tiên, được phát hành vào đầu những năm 1950. Hai thương hiệu này cũng nhanh chóng sản xuất chiếc đồng hồ lặn (Nautical của Vulcain và Polaris của JLC) có cơ chế có thể nghe thấy báo thức dưới nước, để giúp thợ lặn theo dõi thời gian phải lên mặt nước.
Đồng hồ báo thức cơ học truyền thống đổ chuông bằng dây cót được căng để cung cấp một cây búa (hammer) đập vào các bộ phận vang dội: chuông, chiêng (gong) hoặc vỏ của đồng hồ. Cơ chế báo động được kết hợp với bộ máy, với một bánh xe chỉ huy một cam để kích hoạt tín hiệu, tại thời điểm mong muốn.
ĐỒNG HỒ ĐIỂM CHUÔNG (Repeater)
Bộ điểm chuông là một chiếc đồng hồ cơ có chức năng điểm chuông theo yêu cầu bằng cách kích hoạt nút ấn hoặc gạt. Có nhiều loại điểm chuông khác nhau, chỉ đơn giản chỉ giờ hoặc chỉ đến phút. Chẳng hạn, một bộ điểm chuông phần tư (quarter repeater) điểm giờ trên một âm sắc và sau đó là một phần tư giờ bằng một âm khác. Một bộ điểm chuông 5 phút (5-minuut repeater) chỉ giờ và sau đó số lượng khoảng thời gian 5 phút trôi qua. Một bộ điểm chuông phút (minute repeater) điểm giờ trên một âm (âm thấp), điểm các phần tư giờ theo một chuỗi gồm 2 âm (cao – thấp) và điểm các phút với âm cao.
Các nhà sản xuất đồng hồ hiếm khi làm đồng hồ với bộ điểm chuông 5 phút hoặc phần tư, hầu hết họ làm kiểu điểm chuông phút. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những cơ chế đồng hồ phức tạp nhất đòi hỏi các kỹ năng chế tạo đồng hồ cao cấp. Vì vậy, chúng vẫn còn khá hiếm.
Bộ điểm chuông Repeater phát minh ra ở thời điểm trước khi điện tử được phát minh, chúng cho phép mọi người biết thời gian trong đêm khuya. Đồng hồ điểm chuông đầu tiên là sản phẩm trí tuệ của English Reverend và người thợ làm đồng hồ Edward Barlow vào năm 1676. Nó đã xác định các nguyên tắc để chế tạo các cơ chế như vậy kể từ lúc ra đời khi đó. Vài năm sau, việc tạo ra chiếc đồng hồ bỏ túi có điểm chuông đầu tiên liên quan đến một cuộc tranh cãi. Các nhà sản xuất đồng hồ người Anh Edward Barlow và Daniel Quare đều tuyên bố quyền sở hữu cho phát minh này; tuy nhiên tòa án đứng về phía Quare.
Vacheron Constantin 1731 caliber với bộ điểm chuông phút. Mặt trước của chuyển động (ảnh phải) cho thấy sự phức tạp của cơ chế điểm chuông, đặc biệt là các cam và giá đỡ của nó. Thời gian được “ghi nhớ” bởi một cơ chế sử dụng các cam ốc sên (snail cams) (giờ, phần tư giờ và phút). Khi bộ điểm chuông được kích hoạt bởi cơ chế trượt, một trục xoay thăm dò (feeler sprindle) sẽ đọc thông tin trên mỗi cam, truyền thông tin đến giá đỡ cho phép búa gõ vào các gong một số thời gian nhất định theo trình tự đã chọn. Ở mặt sau của bộ máy (ảnh trái), ta có thể thấy hai chiếc búa gõ, những chiếc gong bằng thép cứng chạy quanh bộ máy. Ngay bên cạnh những cái búa, 1 hộp cót dạng skeleton cung cấp năng lượng cho bộ truyền bánh răng của bộ điểm chuông.
Các nhà sản xuất đồng hồ chú ý tối đa đến chất lượng âm thanh của bộ điểm chuông, họ kiên nhẫn điều chỉnh các thông số khác nhau để đạt được âm thanh to nhất, tinh khiết nhất và phong phú nhất có thể. Ví dụ, gong phải được đặt ở một vị trí hoàn hảo và được tinh chỉnh, mài giũa cho đến khi có được âm thanh mong muốn. Góc và lực mà búa đập vào gong cũng phải được tối ưu hóa một cách kiên nhẫn. Các cú đánh phải được bố trí với nhịp độ phù hợp nhờ một bộ điều chỉnh. Một quá trình tốn thời gian và tinh tế mà các thợ đồng hồ phải có một bàn tay lành nghề và một đôi tai có khả năng âm được đào tạo.
Mẫu Breguet Tradition Minute Repeater and Tourbillon. Bộ phận gong đặc biệt trên chiếc này (một phát minh khác của Abraham Louis Breguet để thay thế những chiếc đã sử dụng trước đây) được định hình đi thẳng qua bộ máy thay vì chạy xung quanh nó. Để khuếch đại sự lan truyền âm thanh ra bên ngoài, những chiếc búa được gắn một cách không phổ biến theo chiều dọc, gõ vào gong theo hướng từ đáy đồng hồ về kính sapphire. (Các loại búa thông thường nằm theo phương ngang so với đồng hồ)
Để tạo ra các âm thanh với tiếng chuông phong phú, rõ ràng, các nhà sản xuất đồng hồ đã tạo ra một loạt các cải tiến. Một bộ điểm chuông có tiếng chuông nhà thờ Westminster sử dụng ít nhất 4 bộ gong và búa để bắt chước thứ âm thanh đến từ tháp đồng hồ Big Ben. Ngoài bộ máy, vỏ và toàn bộ cấu trúc bên trong của đồng hồ được thiết kế để tạo ra tiếng vang hoàn hảo. Trong vô số những đổi mới gần đây, Jaeger-LeCoultre đã được cấp bằng sáng chế cho một hệ thống trong đó gong được hàn vào lớp kính tinh thể sapphire đồng hồ, để phóng đại cường độ của các rung động phát ra bên ngoài vỏ.
GRANDE SONNERIE và PETITE SONNERIE
(Tiếng Pháp, nghĩa là Nhạc chuông lớn và Nhạc chuông nhỏ)
Grande và Petite Sonnerie giữ một vị trí rất đặc biệt trong thế giới của đồng hồ siêu cao cấp (Haute Horlogerie), là một trong những sáng tạo phức tạp nhất trong ngành đồng hồ. Cả hai đều điểm giờ và phần tư giờ (mỗi 15 phút) một cách tự động mà không cần người đeo can thiệp, (chỉ Grande Sonnerie điểm giờ ở mỗi phần mỗi 15 phút). Thông thường, cả hai đều được trang bị một nút đẩy hoặc cần trượt để làm im lặng tiếng chuông. Những chiếc đồng hồ này cũng có một cơ chế điểm chuông theo yêu cầu.
Chỉ có một số ít các nhà sản xuất đồng hồ có khả năng sản xuất các cơ chế như vậy. Ngoài sự phức tạp của các chức năng được thêm vào cơ chế điểm chuông, khả năng kiểm soát năng lượng tiêu thụ là rất quan trọng, vì nó tự hoạt động mà không cần kích hoạt từ người dùng (các cơ chế điểm chuông do người dùng kích hoạt luôn dùng cơ cấu cần gạt, thao tác này đóng vai trò như một hành động “nạp năng lượng” cho bộ điểm chuông hoạt động). Do đó, năng lượng phải được lưu trữ và giải phóng khi cần thiết. Theo truyền thống, một hộp cót riêng biệt sẽ được sử dụng, nhưng FP Journe Sonnerie chỉ có một hộp cót chính để cung cấp năng lượng cho cả việc đo thời gian và điểm chuông.
ĐỒNG HỒ ÂM NHẠC (Musical Watches)
Lấy cảm hứng từ các hộp nhạc cơ khí, một số đồng hồ có chuông có khả năng chơi các giai điệu, kích hoạt bằng tay hoặc tự động theo mỗi giờ trôi qua. Trong số những thách thức kỹ thuật, việc thu nhỏ các cơ chế như vậy (cơ bản gồm một trục quay với các chấu thép và một chiếc lược thép với một bộ răng được sắp đặt để phát ra âm thanh) để chúng có thể được tích hợp vào đồng hồ đeo tay là một kỳ công thực sự.
Mẫu Stranger của Ulysse Nardin dưới đây chơi được bản “Mùa Xuân” – “La Primavera” của Vivaldi, một bản giao hưởng rất quen thuộc với người Việt Nam trong những chương trình dự báo thời tiết ngày xưa
ĐỒNG HỒ CÓ HOẠT CẢNH (Automations)
Bên cạnh đồng hồ có chuông hoặc nhạc, có nhiều chiếc thậm chí còn có những hoạt cảnh có thể chuyển động trên mặt số (hoặc mặt sau), hoàn toàn bằng cơ khí, được lấy cảm hứng từ một truyền thống có từ thế kỷ 17. Những cơ cấu chuyển động này tận dụng năng lượng được kích hoạt khi trượt cần gạt hoặc thậm chí là bằng cách đập búa vào gongs.
Tiếp nối tinh thần của người sáng lập, nhà sản xuất đồng hồ và thiết bị tự động tuyệt vời Pierre Jaquet-Droz, nhà sản xuất cùng tên đã đưa ra mẫu “Charming Bird” tuyệt vời. Nhờ kiệt tác này, Jaquet Droz là nhà sản xuất đồng hồ đầu tiên tích hợp công nghệ hoạt cảnh chim hót vào đồng hồ đeo tay, với ống thổi điều khiển bằng pít-tông để cung cấp tiếng hót trong khi con chim quay và vỗ cánh. Các kỹ thuật được kế thừa từ thế kỷ 18 đã được hiện đại hóa và thu nhỏ. Chẳng hạn, ống piston được làm từ sapphire và carbon được sử dụng cho piston. Nhiều thế kỷ trước Pierre Jaquet Droz đã sử dụng bàng quang động vật cho các mục đích tương tự.
Lời kết
Những chiếc đồng hồ có hoạt cảnh này được chế tác vô cùng công phu và giá trị của nó đã vượt xa hơn việc chỉ giúp người dùng xem thời gian. Bạn cảm thấy hứng thú với những loại đồng hồ này chứ? Hãy xem tiếp bài viết “công nghệ chế tác mặt số cho đồng hồ tiền tỉ” để biết thêm những chiếc đồng hồ tương tự nhé!